CÂU CHUYỆN VỀ ĐỒ NHỰA VÀ SỨC KHỎE
Ngày nay, nhựa là một sản phẩm hết sức quen thuộc
với mọi người. Nó là chất dẻo được dùng làm vật liệu để sản xuất nhiều loại vật dụng trong đời sống
hằng ngày, cho đến những sản phẩm công nghiệp, gắn với đời sống hiện đại của con
người.
Nhựa được ưa chuộng bởi nhiều lý do: bền, nhẹ, khó
vỡ, giá thành rẻ và nhiều màu sắc đẹp. Và chính vì nguyên nhân đó mà thế giới
đang phải đương đầu với một loại ô nhiễm: “Ô nhiễm rác thải nhựa”
Ô NHIỄM RÁC THẢI NHỰA - Ô NHIỄM CHẤT DẺO - Ô
NHIỄM TRẮNG
Tất cả các cụm từ trên đều là định nghĩa của
sự tích tụ các vật liệu nhựa
khác nhau trong môi trường (đất, sông, kênh, hồ, đại dương,..) gây ảnh
hưởng xấu đến động vật hoang dã và con người. Rác thải nhựa bao gồm các sản phẩm
nhựa dùng một lần như túi nhựa, chai nhựa, ống hút nhựa, và nhiều thứ khác.
Chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh
hoạt hàng ngày của con người như: buôn bán, du lịch, nhà hàng, khu vui chơi
giải trí, nhà máy, xí nghiệp, viện nghiên cứu, khu công nghiệp,…
Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp
quốc năm 2018: Mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được
sản xuất dùng để đóng gói. Riêng ở Việt Nam, ước tính mỗi năm sử dụng và thải
bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi nilon/năm. Đặc biệt tại các khu vực đô thị, nhựa và túi
nilon chiếm khoảng 10,48 - 52,4 tấn/ngày.
Có thể thấy, rác thải nhựa đang là hiểm họa môi
trường toàn cầu. Hơn 50% lượng nhựa được tiêu thụ mỗi ngày nằm trong những sản
phẩm nhựa dùng một lần. Rõ ràng thói quen sử dụng túi ni lông, nhựa dùng một
lần có thể đem lại sự tiện lợi cho con người trong một khoảng thời gian ngắn,
nhưng nó lại là tác nhân đẩy môi trường đứng trước thảm họa ô nhiễm.
TÁC HẠI CỦA NHỰA
1.
Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người
Túi ni lông, ống hút, cốc nhựa dùng một lần, hộp
xốp, nước đóng chai nhựa…chủ yếu được tái chế từ những sản phẩm nhựa đã qua sử
dụng. Một số hóa chất có trong các sản phẩm nhựa này như: chất hoá dẻo, phẩm
màu, chì,… sẽ thôi nhiễm vào thức ăn, sau đó được hấp thụ vào cơ thể người qua
quá trình sử dụng.
Các hóa chất này tích tụ lâu ngày có thể gây ung
thư, gây ảnh hưởng xấu đến phát triển não bộ ở trẻ, làm thay đổi mô, biến đổi
nhiễm sắc thể, dị tật bẩm sinh, thay đổi nội tiết tố và nhiều hệ luỵ khác cho
sức khoẻ con người.
Khi nhựa được đốt ở ngoài môi trường sẽ tạo ra
nhiều loại khí độc, trong đó có dioxin và furan là những chất cực độc có khả
năng gây khó thở, ảnh hưởng tới tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối
loạn chức năng tiêu hoá...
Nhiều hạt vi nhựa (mẩu nhựa có kích thước nhỏ hơn
5mm) có trong nước ở các sông, do quần áo cũ vứt ra môi trường và từ hoạt
động giặt giũ thải ra môi trường. Các hạt này theo đường thoát
nước đổ ra sông, suối và cuối cùng trôi ra biển.
Các loài hải sản, loài thủy sinh khác nhầm lẫn
những hạt vi nhựa là thực phẩm và ăn vào. Vì đặc tính không tan và khó phân hủy
nên có hàng nghìn phân tử hạt vi nhựa bị tích lại trong cơ thể thực vật, động
vật. Chúng ta ăn phải những loài này thì sẽ bị tích lũy vi nhựa trong cơ thể.
Theo các nhà khoa học, khi một hạt vi nhựa vỡ ra
sẽ sản sinh ra nhiều chất độc có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người như:
mất cân bằng hoóc-môn, mắc các căn bệnh về thần kinh, các bệnh hô hấp,…
2. Ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường
Bên cạnh những ảnh hưởng khôn lường đến sức khỏe
của bạn, phế phẩm từ nhựa còn tác động xấu đến môi trường. Sau khi bị vứt ra
ngoài thiên nhiên, nhựa sẽ mất một khoảng thời gian cực kỳ lâu để tiêu
hủy.
Theo các nhà nghiên cứu thì phải mất từ 500 - 1000 năm túi ni lông mới bị phân huỷ trong môi trường tự nhiên. Hậu quả là rác thải nhựa, túi ni lông có mặt ở khắp nơi gây ô nhiễm môi trường nặng nề và là điều kiện để cho các loại dịch bệnh sinh sôi và phát triển. Ngoài ra, nhựa còn lẫn vào nước, ngăn chặn khí oxy làm cho các sinh vật dưới nước không thể hô hấp được.
Việc đốt nhựa sẽ thải ra vô số những khí độc và
tăng hiệu ứng nhà kính, vì chúng làm gia tăng khí thải nhà kính. Đó cũng là
nguyên nhân gây ra sự biến đổi, mất cân bằng khí hậu.
TIÊU DÙNG XANH ĐỂ BẢO VỆ SỨC KHỎE
Như các bạn thấy đấy, ô nhiễm nhựa đang ở mức báo
động đỏ, vì vậy cần hướng đến lối sống tiêu dùng xanh một cách đúng đắn:
- Hạn chế
tối đa, nói không với túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh
hoạt.
- Sử dụng
sản phẩm đựng đồ được làm từ những nguyên liệu dễ phân hủy, thân thiện với môi
trường như giấy, tre, bã mía, vải, nứa, cói...
- Khi đi mua hàng nên tự mang theo giỏ, túi, hộp đựng thực phẩm,.. hoặc sử dụng giấy, các loại lá như lá chuối, lá sen... để bao gói.
- Tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa vào các mục đích khác mà không gây độc hại cho con người.